Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm hại quyền Sở hữu công nghiệp

Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm hại quyền Sở hữu công nghiệp

I. Quyền Sở hữu công nghiệp bị xâm hại khi nào

Theo quy định tại điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thì một hành vi có bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng là:

1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Như vậy, có thể tóm tắt lại, việc xâm hại xảy ra khi:

Thứ nhất, có yếu tố xâm hại: yếu tố xâm hại ở đây có thể là hành vi cố ý hoặc vô ý xâm hại đến quyền và nghĩa vụ của người khác, tổ chức khác.

Thứ hai, việc xâm hại trên tác động tới các quyền được Pháp luật bảo vệ: cụ thể, trong trường hợp chúng ta đang bàn tới là quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích..v.v..

Thứ ba, cá nhân – tổ chức thực hiện hành vi xâm hại không được Cơ quan nhà nước và Pháp luật cho phép thực hiện hành vi đó: đọc tới đây, sẽ có một số độc giả sẽ đặt ra câu hỏi: vậy, có trường hợp Cơ quan nhà nước, Pháp luật cho phép thực hiện việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với người khác ư ??

Câu trả lời ở đây là Đúng. Trong một số trường hợp, quyền sở hữu công nghiệp có thể bị xâm phạm mà được Nhà nước, Pháp luật cho phép như: Sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội hay  các trường hợp sử dụng, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trước khi đối tượng đó được cấp văn bằng bảo hộ. Ngoài ra còn một số trường hợp khác theo Quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, hành vi vi phạm xảy ra tại Việt Nam: pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ bảo hộ trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam. Mỗi quốc gia có một hệ thống pháp luật riêng và không quốc gia nào có thể can thiệp vào hệ thống pháp luật của quốc gia khác, đó là sự toàn vẹn của chủ quyền Quốc gia. Bởi vậy, pháp luật Việt Nam chỉ bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu muốn được bảo hộ trên lãnh thổ Quốc gia khác, các bạn cần tiến hành bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp tại Quốc gia đó.

II. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm hại Quyền sở hữu công nghiệp

Việc xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm hại Quyền sở hữu công nghiệp sẽ được căn cứ theo Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ và Khoản 2, mục 1 , Phần 8 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 3/4/2008 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án nhân dân, cụ thể:

Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình, thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường thiệt hại theo một trong các căn cứ sau đây:
a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất.
b) Giá trị chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện.
c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a) và điểm b) nêu trên thì mức bồi thường thiệt hại về vật
chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.
Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đống đến năm mươi triệu đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại như trên chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Tuy nhiên, để được xác định là bị xâm hại quyền sở hữu công nghiệp, các cá nhân – tổ chức phải được cấp văn bằng bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp. Vì vậy, trước khi xem xét việc mình sẽ được bồi thường bao nhiêu khi có xâm phạm, chúng ta cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ Quyền sở hữu công nghiệp trước.

Đọc thêm:  1. Dịch vụ đăng ký Nhãn hiệu độc quyền 

                     2. Dịch vụ đăng ký bảo hộ Quyền Tác giả

                     3. Dịch vụ đăng ký bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp

Liên hệ với chúng tôi 

CÔNG TY LUẬT TÂM AN

Địa chỉ: Số 51 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 0981.46.26.56 

Email: luattaman@gmail.com.

Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ của chúng tôi!

(Visited 55 times, 1 visits today)